Chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp
Các phiên chợ nổi là một nét văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước, nhắc đến chợ nổi miền Tây thì không thể không nhắc đến chợ nổi Ngã Bảy – Phùng Hiệp. Hình ảnh quen thuộc với du khách là những chiếc ghe chở đầy hàng hóa, cây bẹo cao cao để giới thiệu sản phẩm được bán để người mua dễ chọn lựa. Không chỉ là nét văn hóa độc đáo, là “hồn sông nước”, chợ nổi Ngã Bảy còn lưu dấu bước chân tiền nhân, thể hiện tập quán văn hóa thương hồ của ông cha đã gần một thế kỷ trên vùng đất phù sa màu mỡ.
Chợ
nổi Ngã Bảy còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp nức tiếng một thời, bởi bề dày lịch sử
hơn trăm năm và không khí mua bán nhộn nhịp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chợ nổi Ngã Bảy hình thành vào khoảng năm 1915, sau 10 năm đào kênh xáng ở đây.
Chợ nằm ngay nơi giao nhau của 7 tuyến sông: Cái Côn, Mang Cá, Búng Tàu, Sóc
Trăng, Xẻo Môn, Lái Hiếu, Xẻo Vong. Nhiều làng nghề đã hình thành dọc tuyến
sông như đóng ghe, đan cần xé, trồng rẫy… Với chợ nổi Ngã Bảy, việc tụ họp tại
7 nhánh sông đã trở thành một nét riêng khó hòa lẫn và sẽ là điều bí ẩn thu hút
những ai thích du lịch Miền Tây khám phá, bởi mỗi nhánh sông có một làng nghề đặc
trưng không giống nhau… Nơi đây cũng đã đi vào thơ, nhạc càng làm say đắm lòng
người.
Ở
Nam bộ có nhiều chợ nổi nhưng không chợ nào “nổi” bằng chợ Ngã Bảy về quy mô, sự
sung túc cũng như cái danh, cái thế của nó. Ngày trước, vùng tâm chợ Ngã Bảy có
trên 1.000 ghe tàu lớn nhỏ; dịp cao điểm tết có khi đến hơn 3.000 chiếc; đò
ngang cũng hàng trăm chiếc. Đêm xuống đèn dầu, đèn bình giăng giăng bập bềnh
theo sóng nước suốt canh thâu như hội hoa đăng, thật kỳ thú..
Chợ
nổi Ngã Bảy thường nhóm vào tờ mờ sáng hằng ngày. Từ 5 đến 8 giờ sáng là cao điểm
cho việc mua bán nông sản tươi. Từ đó đến chiều và tối, chợ vẫn tiếp tục hoạt động.
Hàng hóa ở chợ nổi vô cùng đa dạng, nhất là trái cây. Theo từng mùa, nhìn vào cảnh
xuồng ghe tấp nập, đầy ắp trái cây, du khách sẽ biết được đang là vụ chính của
loại trái cây nào.
Một
điểm tạo nên dấu ấn khó quên là khi mặt trời lên, cũng là lúc những ghe chở
hàng tỏa đi nhiều hướng. Du khách sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà của những
món ăn dân dã, được bày bán trên những chiếc xuồng nhỏ: Cháo lòng, bún, hủ tiếu…
nóng hổi hay nhâm nhi ly cà phê sóng sánh, nghe kể chuyện ”Tình Anh Bán Chiếu”
vô cùng thú vị.
Từ
buổi sớm tinh mơ, khi bầu trời còn giăng một màn sương mỏng, hàng trăm chiếc
thuyền của bà con rộn ràng kéo về đây như trẩy hội. Ta có thể bắt gặp rất nhiều
màu sắc, âm thanh khác nhau tạo nên một không khí nhộn nhịp, tươi vui…
Màu
đỏ tươi của chôm chôm, màu vàng ươm của những trái xoài cùng vị thơm ngọt của sầu
riêng… những loại trái cây tươi ngon được hái trong ngày cho kịp buổi chợ sớm.
Nhìn trên cao, cả khúc sông giống như một dải lụa lung linh đầy màu sắc. Tất cả
đều là những đặc sản trái cây miền Tây Nam Bộ thơm ngon với giá rất phải chăng.
Đặc
biệt, ở đây không cần quảng cáo hay rao bán, mỗi thuyền đều có một cây dài treo
những món hàng mà mình bán lên, như một “bản hiệu sống”, người mua không phải mất
công tìm kiếm. Ngoài ra, chợ còn có những ghe nhỏ bán thức ăn len lỏi qua các
thuyền lớn một cách điêu luyện.
Năm
2002, chợ nổi Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) được di dời đến vị trí trên
kênh Ba Ngàn thuộc xã Đại Thành, cách vị trí cũ khoảng 3 km do chợ quá sầm uất,
nhiều phương tiện neo đậu gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm…
Từ
khi được dời về kênh Ba Ngàn chợ không còn nhộn nhịp và dần chìm vào quên lãng
vì sự thưa thớt ghe xuồng, không đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Hình ảnh
tấp nập mua bán “trên bến dưới thuyền” ngày nào, giờ chỉ còn lưu lại trong ký ức
của người dân nơi đây. Để cứu chợ nổi Ngã Bảy, phát triển du lịch Hậu Giang
sông nước miệt vườn, năm 2015 tỉnh Hậu Giang đã đầu tư hệ thống đường giao
thông, bến tàu khách du lịch, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước. Dự
kiến sau khi hoàn thành sẽ di dời chợ nổi Ngã Bảy về vị trí cũ trở thành một điểm
nhấn du lịch, không phải của riêng Ngã Bảy, mà cả của tỉnh Hậu Giang.
Không
lâu, chợ nổi Ngã Bảy danh tiếng một thời sẽ được khôi phục, đồng nghĩa với mục
tiêu giữ gìn và phát huy nét đặc trưng về văn hóa của đô thị vùng sông nước miệt
vườn trở thành hiện thực đối với người dân sở tại và du khách gần xa.
Post a Comment